Bất đồng quanh hai vụ nổ nguyên tử Vụ_ném_bom_nguyên_tử_xuống_Hiroshima_và_Nagasaki

Ý kiến bất đồng

Những ý kiến phản đối việc thả bom nguyên tử chủ yếu ở hai điểm:

  1. Việc thả bom gây thương vong số lượng lớn nhằm vào dân thường đương nhiên là hành vi trái với đạo đức.
  2. Việc thả bom đứng về mặt chiến thuật quân sự là không cần thiết và không thể biện minh.

Hành vi trái đạo đức truyền thống

Một số cá nhân và tổ chức chỉ trích việc ném bom, nhiều người trong số họ cho rằng đó là tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người. Hai nhân vật tiêu biểu là Albert EinsteinLeó Szilárd, những người trước đó cùng ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Roosevelt, cổ vũ công việc nghiên cứu, phát triển bom nguyên tử năm 1939. Szilárd, người đã tham gia tích cực trong Dự án Manhattan, lý luận:

"Hãy để tôi đề cập chủ yếu về vấn đề đạo đức: Giả sử nước Đức phát triển thành công hai quả bom nguyên tử trước chúng ta. Và giả sử nước Đức thả hai qua bom đó, ví dụ, xuống Rochester và Buffalo (hai quận nhỏ ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ), rồi sau đó họ bại trận. Liệu có ai băn khoăn không khi chúng ta cho đó là tội ác chiến tranh và sẽ kết tội người Đức về hành vi đó trước tòa án Nürnberg rồi treo cổ họ?"

Một số nhà khoa học làm việc cho dự án bom nguyên tử đã chống lại việc sử dụng chúng. Bảy nhà khoa học, đứng đầu là Tiến sĩ James Franck, đệ trình một bản báo cáo lên Ủy ban Nội chính của tổng thống Truman tháng 5 năm 1945, rằng:

"Nếu Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sử dụng những vũ khí hủy diệt bừa bãi này, nó sẽ đánh mất sự ủng hộ của công chúng trên toàn thế giới, khích động chạy đua vũ trang và ngăn cản khả năng đạt được thỏa thuận quốc tế về kiểm soát loại vũ khí này trong tương lai."

Ngày 8 tháng 8 năm 1945, tác giả người Pháp Albert Camus viết về thảm họa ở Hiroshima trên một ấn bản tiếng Pháp là Chiến trận (Combat):

"Xã hội cơ khí đã đạt đến giai đoạn đỉnh cao của sự man rợ. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa tự sát tập thể và việc sử dụng sáng suốt những thành tựu khoa học [...] Điều này không chỉ đơn thuần là một lời cầu mong nữa; nó phải trở thành một mệnh lệnh chuyển đến các chính phủ từ quần chúng nhân dân, mệnh lệnh cho lựa chọn rõ ràng giữa lý trí và địa ngục."

Năm 1946, trong một bản báo cáo của Tổ chức nhà thờ liên bang với tên Chiến tranh nguyên tử và niềm tin Thiên chúa có một đoạn như sau:

"Là những người Thiên chúa Hoa Kỳ, chúng ta hối tiếc về sự lạm dụng thiếu trách nhiệm vũ khí nguyên tử. Chúng ta đều đồng cảm rằng, trên nguyên tắc, dù là sự nhìn nhận của bất kỳ người nào đối với chiến tranh, việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là không thể biện hộ được về mặt đạo đức."

Năm 1963, hành vi ném bom nguyên tử là đối tượng xem xét của phán quyết tại Tòa án Hiến pháp trong vụ xử Ryuichi Shimoda et al. v. The State. Trong đúng ngày tròn 22 năm sự kiện tấn công Trân Châu Cảng, tòa án hạt Tokyo đã từ chối xét xử tính hợp pháp nói chung của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng phán quyết rằng "vụ tấn công Hiroshima và Nagasaki đã gây ra những thiệt hại nặng nề và không phân biệt quân đội và dân thường, theo nghĩa đó chúng đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất khi tiến hành chiến tranh".

Cũng theo một ý kiến của tòa, hành vi ném bom nguyên tử vào các thành phố được điều tiết bởi luật pháp quốc tế tại Công ước Hague về chiến tranh trên bộ năm 1907 và Dự thảo công ước Hague về chiến tranh đường không năm 1922-1923 và theo đó là không hợp pháp.

Với việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, việc ném bom xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki thể hiện sự vi phạm những cấm cản tối thiểu, Peter Kurznick, giám đốc viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đại học châu Mỹ tại Washington viết về Tổng thống Truman:

"Ông ta biết rằng ông ta đã bắt đầu một quá trình hủy diệt sự sống. Đó không chỉ là tội ác chiến tranh; đó là tội ác chống lại loài người."

Kurznick là một trong các nhà quan sát tin rằng động lực khiến Hoa Kỳ thực hiện việc ném bom là ý muốn thể hiện quyền năng của loại vũ khí mới trước Liên Xô. Nhà sử học Mark Selden của Đại học Cornell cho rằng "gây ấn tượng với người Nga còn quan trọng hơn là kết thúc chiến tranh với Nhật Bản".

Takashi Hiraoka, thị trưởng thành phố Hiroshima, người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, nói trong phiên thẩm vấn của Tòa án Công lý Quốc tế Hague:

"Một điều rõ ràng là việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thứ vũ khí giết người hàng loạt và mù quáng để lại hậu quả trên những người sống sốt hàng nhiều thập kỷ sau đó là sự xâm phạm pháp luật quốc tế."

Iccho Ito, thị trưởng thành phố Nagasaki, tuyên bố trong cùng phiên tòa:

"hậu duệ của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử sẽ còn phải được theo dõi để nhận biết đầy đủ ảnh hưởng di truyền, điều đó có nghĩa là những thế hệ này sống với nỗi lo âu trong nhiều thập kỷ tới [...] với năng lượng khủng khiếp cùng khả năng tàn sát và hủy diệt của chúng, vũ khí hạt nhân không phân biệt binh lính với dân thường, không phân biệt công trình quân sự và dân sự [...] Việc sử dụng vũ khí hạt nhân [...] do đó là một sự xâm phạm hiển nhiên luật pháp quốc tế."

John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc lấy Hiroshima và Nagasaki làm những ví dụ cho thấy vì sao Mỹ không nên tham gia Tòa án tội phạm quốc tế:

"Ví dụ, việc xem xét công bằng hiệp ước Hiệp ước Roma về Tòa án tội phạm quốc tế, khiến một nhà quan sát khách quan không thể tự tin trả lời rằng liệu Hoa Kỳ đã phạm những tội ác chiến tranh chưa khi ném bom xuống Đức và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thực vậy, nếu giải thích thẳng thắn lời lẽ của hiệp ước có thể chỉ ra rằng tòa án sẽ qui kết nước Mỹ đã phạm tội. Hơn nữa, những điều khoản ở đây dường như ám chỉ rằng Hoa Kỳ đã phạm vào tội ác chiến tranh khi thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Điều này (tức ngôn từ của Hiệp ước) là không thể chấp nhận được và không thể để tồn tại."

Tuy rằng hành vi ném bom nguyên tử chưa thể gọi là tội diệt chủng, một số người cho rằng định nghĩa diệt chủng quá chặt và nên coi hành vi ném bom đó là sự diệt chủng. Ví dụ, nhà sử học Bruce Cunnings của Đại học Chicago tuyên bố rằng có sự đồng thuận giữa các nhà sử học với quan điểm của Martin Sherwin: "ném bom Nagasaki, với cái nhìn bao dung nhất, là không cần thiết; với cái nhìn nghiêm khắc nhất, là hành vi diệt chủng."

Không cần thiết về mặt quân sự

Những người lập luận rằng việc ném bom là không cần thiết về mặt quân sự giữ quan điểm rằng Nhật Bản lúc đó đã bị đánh bại và sẵn sàng đầu hàng.

Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở thời đó có quan điểm này là Đại tướng Dwight D. Eisenhower. Ông viết trong hồi ký The White House Years (Những năm ở Nhà trắng):

"Năm 1945, Bộ trưởng Chiến tranh Stimpson, khi đó đến thăm tổng hành dinh của tôi ở Đức, thông báo cho tôi rằng chính phủ chúng ta đang chuẩn bị thả bom nguyên tử xuống Nhật. Tôi là một trong những người cảm thấy rằng có những lý do vững vàng để nghi vấn sự sáng suốt của hành động đó. Trong khi ông ta kể về những sự việc liên quan, tôi cảm thấy buồn chán và đã nói với ông ta về những sự hoài nghi của tôi, thứ nhất, tôi tin rằng Nhật Bản thực sự đã bị đánh bại và việc ném bom là không hoàn toàn cần thiết, và thứ hai, tôi cho rằng việc sử dụng vũ khí đó là không bắt buộc nhằm hạn chế thương vong cho lính Mỹ bởi đất nước chúng ta nên tránh một ý tưởng làm thế giới rung chuyển bằng cách sử dụng vũ khí đó."

Các tướng lĩnh khác của quân đội Hoa Kỳ không đồng ý với sự cần thiết của việc ném bom gồm Đại tướng Douglas MacArthur (tướng lĩnh cao cấp nhất của Chiến trường Thái Bình Dương), Đô đốc Hạm đội William D. Leahy (quan chức cao cấp nhất của văn phòng điều hành của Tổng thống), Đại tướng Carl Spaatz (tư lệnh không quân chiến lược Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương), Trung tướng Carter Clarke (sĩ quan tình báo quân sự), và một số người khác.

"Nhật Bản trước đó đã đề nghị hòa bình. Từ quan điểm quân sự thuần túy, bom nguyên tử không có vai trò quyết định đánh bại nước Nhật" -- theo lời Đô đốc hạm đội Chester W. Nimitz, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương."Việc sử dụng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki không hỗ trợ về mặt vật chất cho cuộc chiến của chúng ta với nước Nhật. Người Nhật đã thực sự bại trận và sẵn sàng đầu hàng" -- ý kiến của Đô đốc Hạm đội William D. Leahy.

Cuộc nghiên cứu về ném bom chiến lược Hoa Kỳ, đã phỏng vấn hàng trăm lãnh đạo dân sự và quân sự Nhật Bản sau khi nước Nhật đầu hàng, báo cáo:

"Dựa trên cuộc điều tra chi tiết thực tế, và với lời khai của các quan chức Nhật Bản liên quan, ý kiến tin chắc rằng nước Nhật sẽ đầu hàng trước ngày 31 tháng 12 và có khả năng trước ngày 1 tháng 11 năm 1945 mà không cần đến vụ ném bom nguyên tử, thậm chí là không cần Liên Xô tham chiến, và cũng không cần một cuộc đổ bộ nào."

Nghiên cứu cũng cho rằng những đợt ném bom thông thường vẫn cần thiết để buộc Nhật Bản đầu hàng.[5]

Nhiều người, trong đó có Đại tướng MacAthur đồng ý rằng Nhật Bản sẽ đầu hàng trước khi bị ném bom nguyên tử nếu Hoa Kỳ cho họ biết rằng Thiên hoàng Hirohito sẽ vẫn là người đứng đầu Nhật Bản trên danh nghĩa, điều kiện này sau đó vẫn được chấp nhận khi Nhật ký văn bản đầu hàng. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã biết được mong muốn của Nhật Bản khi giải mã những bức điện tín của Nhật Bản, nhưng từ chối thể hiện rõ thiện chí chấp nhận điều kiện này. Trước khi bị ném bom, lập trường của giới lãnh đạo Nhật Bản đã có sự phân hóa. Một số nhà ngoại giao ủng hộ đầu hàng, trong khi các lãnh đạo quân sự cam kết chiến đấu cho một "trận chiến quyết định" trên đảo Kyushu, hi vọng có được điều kiện tốt hơn để đình chiến sau đó. Chính phủ Nhật Bản khi đó chưa quyết định điều kiện nào có thể nhượng bộ trừ yêu cầu giữ lại biểu tượng hoàng gia. Chỉ khi có sự can thiệp của Thiên hoàng, bất đồng mới chấm dứt. Sau đó, như đã nói ở trên, có một cuộc nổi loạn nhỏ của giới quân sự không chấp nhận đầu hàng.

Ngày 06 tháng 8 năm 1945, Đại nguyên soái Liên Xô là Stalin là một trong những người đầu tiên được báo cáo rằng Mỹ đã thả xuống Hiroshima một quả bom nguyên tử. Sau đó, Stalin thốt lên những lời cảm thông về số phận của những thường dân Nhật bị bom nguyên tử giết hại hàng loạt:

"Chiến tranh là một điều man rợ, nhưng việc sử dụng bom nguyên tử - nó là sự điên cuồng! Hơn nữa, nó là không cần thiết. Nhật Bản đã cam chịu thất bại rồi"[6].

Sử gia Tsuyoshi Hasegawa có nghiên cứu đưa đến kết luận rằng những quả bom không phải phải là lý do chủ yếu của sự đầu hàng. Ông cho rằng, lý do chính là những chiến thắng nhanh chóng và to lớn của quân đội Liên Xô ở Mãn Châu.

Ý kiến ủng hộ

Những người ủng hộ việc ném bom, nói chung khẳng định rằng hai vụ nổ đã kết thúc chiến tranh sớm nhiều tháng, vì vậy đã cứu sống nhiều sinh mạng. Họ cho rằng cuộc tấn công của Liên Xô sẽ chỉ có thể đánh bật Nhật ra khỏi lục địa châu Á chứ không thể đánh bại được Nhật Bản tại chính quốc vì Nhật là một đảo quốc, với tiềm lực yếu của Hải quân Liên Xô (tải trọng Hạm đội 125.000 tấn so với 1.300.000 tấn của Nhật, lại tập trung ở châu Âu) thì không thể thực hiện một cuộc vượt biển quy mô lớn sang đánh Nhật được[7].

Tổng số lính Nhật trên bốn hòn đảo chính quốc khi chiến tranh kết thúc là 4,335,500 người, gồm 2,372,700 thuộc Lục quân và 1,962,800 lính thuộc Hải quân. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi các Tham mưu trưởng Liên quân vào tháng Tư, con số thương vong khi thực hiện chiến dịch Olympic 90 ngày sẽ có tổn thất 456.000 thương vong, trong đó có 109.000 người chết hoặc mất tích. Nếu thực hiện chiến dịch Coronet mất thêm 90 ngày, tổn thất kết hợp sẽ là 1.200.000 thương vong, với 267.000 ca tử vong, cao hơn gấp nhiều lần số người thiệt mạng vì bom nguyên tử.

Hai quả bom nguyên tử đã đánh sập hoàn toàn tinh thần của người Nhật hai ngày trước cuộc tấn công của Liên Xô. Họ cũng cho rằng nếu Chiến dịch Olympic (giai đoạn thứ nhất của chiến dịch Downfall) đổ bộ quân Mỹ vào Nhật Bản ngày 1/10/1945 được tiến hành và sau đó là giai đoạn hai - Chiến dịch Coronet, sẽ có thương vong lớn cho cả hai bên, dự đoán là khoảng nửa triệu quân Mỹ (gấp đôi số người chết do bom nguyên tử) và hàng triệu lính Nhật khác[8][9]. Thậm chí là dù việc đổ bộ được trì hoãn thì những thiệt hại bởi ném bom thông thường và việc người Nhật vẫn chiếm đóng những vùng châu Á cũng gây nhiều đổ máu. Quân đội Nhật Bản còn trên 7 triệu binh sĩ, trong đó hơn 4 triệu đóng trên lãnh thổ Nhật[10], do đó việc Liên Xô đánh bại 1 triệu quân Nhật ở Mãn Châu cũng không có ý nghĩa gì đáng kể[cần dẫn nguồn].

Giới quân sự Nhật thống nhất chống lại bất kỳ nhượng bộ nào, và chỉ chấp nhận đầu hàng với những điều kiện không quá bất lợi cho Nhật. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật thức tỉnh cùng cuộc Đại khủng hoảng đã thủ tiêu rất nhiều nhà cải cách, những người tìm cách kiểm soát quyền lực của giới quân sự, tiêu biểu trong số này là Takahashi Korekiyo, Saito MakotoInukai Tsuyoshi, tạo ra một môi trường mà bất kỳ sự phản đối chiến tranh nào đều đồng nghĩa với sự đe dọa tính mạng.

Trong khi giới lãnh đạo dân sự sử dụng những kênh ngoại giao bí mật cho nỗ lực đàm phán hòa bình, họ không thể đàm phán đầu hàng hoặc chỉ là ngừng bắn. Đế quốc Nhật Bản, quốc gia quân chủ lập hiến, chỉ tiến hành đàm phán khi có sự thống nhất của toàn bộ nội các. Vào mùa hè 1945, Hội đồng chiến tranh tối cao Nhật Bản, bao gồm các đại diện của lục quân và hải quân cùng chính phủ dân sự, đã không có được số đông ủng hộ để công việc thoả hiệp được bắt đầu.

Bế tắc chính trị hình thành giữa giới lãnh đạo quân sự và lãnh đạo dân sự của Nhật. Quân đội càng lúc càng nâng cao quyết tâm kháng cự bằng mọi giá trong khi giới lãnh đạo dân sự tìm giải pháp thỏa hiệp kết thúc chiến tranh. Quyết định càng trở nên phức tạp khi mà đại diện quân đội Thiên Hoàng phải có mặt trong thành phần chính phủ. Điều này có nghĩa là giới quân sự có thể phản đối bất kỳ quyết định nào bằng cách phế truất bộ trưởng chiến tranh, vì thế mà quân đội là thế lực lớn nhất trong Hội đồng chiến tranh tối cao. Đầu tháng 8 năm 1945, trong nội các đã có tình hình khá cân bằng giữa những người phản đối và những người ủng hộ việc đầu hàng. Phe chủ chiến gồm Bộ trưởng chiến tranh - tướng Anami Korechika, tướng Umezu Yoshijiro và Đô đốc Toyoda Teijiro, đứng đầu là Bộ trưởng Anami. Phe hoà bình gồm Thủ tướng Suzuki Kantaro, Bộ trưởng Hải quân Yonai Mitsumasa và Bộ trưởng ngoại giao Togo Shigenori, đứng đầu là Bộ trưởng Togo.

Phe chủ hòa, coi hai quả bom là biện minh cho sự đầu hàng. Kido Koichi, một trong những cố vấn thân cận của Nhật hoàng Hirohito đưa ra "chúng ta, phe mong muốn hòa bình có sự góp phần của quả bom nguyên tử để vận động chấm dứt chiến tranh". Sakomizu Hisatsune, thành viên nội các năm 1945 gọi sự kiện ném bom nguyên tử là "cơ hội bằng vàng trời ban cho nước Nhật để ra khỏi chiến tranh". Giới lãnh đạo dân sự chủ hòa giờ đây có thể dùng cảnh điêu tàn của Hiroshima và Nagasaki để thuyết phục phe quân sự rằng không lòng can đảm nào, không tài năng nào, và không trận chiến dũng cảm có thể giúp Nhật đối phó với một cường quốc có vũ khí nguyên tử. Bộ máy lãnh đạo đã có được quyết định thống nhất đầu hàng và chấp nhận những điều kiện của Tuyên bố Potsdam.

Những người ủng hộ việc ném bom cũng chỉ ra rằng, kéo dài thời gian chờ nước Nhật đầu hàng chẳng phải là lựa chọn không có mất mát – chiến tranh cướp đi 200 ngàn sinh mạng không phải binh lính trên toàn Châu Á mỗi tháng. Từ tháng 2 năm 1945, ném bom thông thường giết hơn 100 ngàn người ở Nhật mỗi tháng, trực tiếp và gián tiếp. Và việc ném bom này sẽ tiếp diễn cho đến lúc quân Mỹ đổ bộ vào Nhật. Chiến dịch Starvation phong tỏa bằng tàu ngầmthủy lôi, đã o bế hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa về Nhật Bản. Chiến dịch phá hoại hoạt động đường sắt của Nhật cũng chuẩn bị được triển khai, ngăn cách các thành phố trên đảo Honshu với những vùng trồng lương thực khác. Nhà sử học Irokawa Daikichi ghi lại "ngay sau ngừng bắn, có khoảng 10 triệu người sắp chết đói". Cùng lúc đó, chiến sự vẫn tiếp diễn ở Philippines, Tân GuineaBorneo. Các cuộc tấn công chuẩn bị nổ ra trong tháng 9 ở miền nam Trung Quốcbán đảo Mã Lai.

Nước Mỹ lường trước được sẽ có tổn thất rất lớn về người nếu đưa quân vào Nhật Bản mặc dù số lượng thương vong dự kiến vẫn còn bàn cãi. Thương vong còn phụ thuộc vào sức kháng cự của người Nhật và kịch bản đổ bộ chỉ vào đảo Kyushu tháng 11 năm 1945 hay cả vào gần Tokyo tháng 3 năm 1946. Nhiều năm sau chiến tranh, cựu Bộ trưởng ngoại giao James Byrnes cho rằng có thể nước Mỹ sẽ mất thêm 500 ngàn sinh mạng nữa trong mùa hè 1945. Những nhà hoạch định Mỹ dự kiến 20.000 đến 110.000 lính tử trận nếu triển khai đổ bộ lên lãnh thổ Nhật Bản tháng 11 năm 1945 và số bị thương từ ba đến bốn lần con số trên. Nên nhớ, tổng số lính Mỹ chết trận trên tất cả các mặt trận trong gần bốn năm tham chiến là 292.000.

Bom nguyên tử đưa Chiến tranh thế giới thứ haiChâu Á nhanh chóng chấm dứt, giải thoát hàng triệu con người trong những vùng bị chiếm đóng bao gồm nhiều ngàn người phương Tây. Hơn nữa, quân đội Nhật đã tiến hành giết người hàng loạt, con số lên đến hàng triệu bằng vũ khí hóa họcvũ khí vi trùng. Chiến tranh sớm kết thúc cũng có nghĩa là không còn những đổ máu tương tự.

Trong một mệnh lệnh của Bộ chiến tranh Nhật Bản ngày 1 tháng 8 năm 1944, tất cả tù binh phe Đồng minh, lên đến hơn 100 ngàn người, sẽ bị hành quyết nếu chiến sự xảy ra trên lãnh thổ Nhật Bản.

Những người ủng hộ vũ khí nguyên tử lý luận tiếp, chính phủ Nhật Bản đã huy động một cuộc chiến tranh tổng lực, thường dân gồm cả phụ nữ và trẻ em phải làm việc trong các nhà máy, cơ sở quân sự và phải chiến đấu chống lại lực lượng đổ bộ. Linh mục John A. Siemens, giáo sư triết học hiện đại ở Đại học Thiên chúa Tokyo và là một nhân chứng của vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima viết:

"Chúng tôi đã tranh luận với nhau về tính đạo đức của việc sử dụng vũ khí này. Một số người cho rằng nó cũng tương tự như sử dụng khí độc chống lại dân thường. Một số khác có quan điểm rằng trong cuộc chiến tranh tổng lực mà nước Nhật thực hiện, không có khác biệt giữa dân thường và binh lính, và quả bom tự nó là công cụ hiệu quả chấm dứt đổ máu, buộc nước Nhật đầu hàng và nhờ đó tránh được sự tàn phá khủng khiếp. Điều đó có vẻ hợp lý theo tôi – người ủng hộ lý luận rằng về nguyên tắc, chiến tranh không thể coi là chống lại dân thường khi đó là chiến tranh tổng lực".

Một số người còn nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Hiroshima là tổng hành dinh của tư lệnh Tập đoàn quân số 2, và Nagasaki – trung tâm sản xuất đạn được chủ chốt.

Nhà sử học của Mỹ Richard B Frank đưa ra trong cuốn sách Downfall phát hành năm 1999. Ông khẳng định:

"Sẽ chỉ là ảo tưởng nếu cho rằng chiến tranh có thể kết thúc trước khi Mỹ dùng tới bom nguyên tử".

David McCullough lại muốn tìm một sự giải thích thực dụng đối với động cơ của Truman, theo đó bom nguyên tử được dùng để giảm bớt thiệt hại của Mỹ dù nó sẽ gây ra thương vong hàng loạt cho thường dân:

"Làm thế nào mà một vị tổng thống, hoặc những người có trách nhiệm, có thể trả lời nhân dân Mỹ... nếu sau khi mất một biển máu để xâm chiếm Nhật Bản, người Mỹ mới biết rằng thứ vũ khí có khả năng chấm dứt cuộc chiến đã được chế tạo xong từ giữa mùa hè và không được sử dụng?".

Trong tuyên bố Nhật Bản đầu hàng, Nhật Hoàng Hirohito nói rằng sự xuất hiện của thứ vũ khí mới cũng là một trong các nguyên nhân thúc đẩy ông ra lệnh đầu hàng: Hơn nữa, đối phương bây giờ đã có một loại vũ khí mới và khủng khiếp với sức mạnh để tiêu diệt nhiều sinh mạng vô tội và làm thiệt hại khôn lường. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, không chỉ nó sẽ dẫn đến kết quả là một sự sụp đổ cuối cùng và xóa bỏ quốc gia Nhật Bản mà còn có thể dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn nền văn minh nhân loại...Đây là lý do vì sao chúng tôi đã ra lệnh chấp nhận các quy định trong Tuyên bố chung của các cường quốc (tuyên bố Postdam buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện).[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_ném_bom_nguyên_tử_xuống_Hiroshima_và_Nagasaki http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://www.ww2pacific.com/downfall.html http://www.rerf.or.jp/general/qa_e/qa1.html http://web.archive.org/web/20060929120212/http://w... http://www.ibiblio.org/hyperwar/AAF/USSBS-PTO-Summ... http://inosmi.ru/history/20161009/237994318.html http://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/Nagasaki-the-man... http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-chon-nem-bom-... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Atomic... https://books.google.com.vn/books?id=na2HCwAAQBAJ&...